thật ra trong thời đại này người ta thành công không chỉ nhờ chỉ số thông minh. chúng ta cần quan tâm EQ và cả AQ nữa.
Cuộc chiến giữa EQ và IQ (rất hay)
Tôi vẫn thường lơ mơ giữa hai khái niệm EQ và IQ, cho đến khi đọc
được bài viết này. Nếu bạn đã nghe nói nhiều về IQ và nghe "đâu đấy" có
nhắc đến EQ thì hy vọng bài viết dưới đây có thể giúp bạn phân biệt tốt
hơn hai khái niệm và tăng cường EQ của mình, vì kết luận quan trọng của
bài là 'chính EQ là yếu tố đem đến thành công.'
EQ là thước đo độ thông minh về cảm xúc, hoặc khả năng kết hợp việc
sử dụng cả cảm xúc lẫn các kỹ năng xuất phát từ kinh nghiệm trong cuộc
sống. Thông minh cảm xúc
gồm có nhưng không chỉ giới hạn ở sự thấu cảm, trực giác, sức sáng tạo,
sự năng động, kiên cường, khả năng chiến đấu, cân bằng áp lực, khả năng
lãnh đạo, tính chính trực, sự xác thực, khả năng suy nghĩ và liên kết
con người.
IQ là một chỉ số được sử dụng để diễn tả sự thông minh biểu hiện ra
bên ngoài một cách tương đối của một cá nhân. IQ là chỉ số đo năng lực
nhận thức, như khả năng học và hiểu hoặc xử lý tình huống; khả năng áp
dụng kiến thức vào môi trường thực tế hoặc suy nghĩ phản biện (như được
đo trong các bài kiểm tra); sự nhạy bén của đầu óc; kỹ năng logic và phân tích.
So sánh
- Con người rèn luyện được EQ thông qua cuộc sống; còn IQ học được
ở sách vở và trường lớp
- EQ: Thuyết phục người khác bằng lí do và cảm xúc; còn IQ chứng
minh bằng số liệu và thực tế.
- EQ: Sử dụng cảm xúc và kinh nghiệm để thực hiện chức năng một
cách hiệu quả; còn IQ: Chỉ dùng kỹ năng nhận thức.
Ví dụ
Samuel có IQ rất cao. Anh ấy có khả năng lập luận, rất có khả năng
phân tích và logic và đặt một mục tiêu "thép"
vào công việc. Anh ấy học những thứ mới rất nhanh. Tuy nhiên, anh ta lại
không để ý đến việc mình đang nghĩ gì và người khác đang nghĩ gì. Nếu
mọi thứ không được như anh ta mong muốn, anh ta sẽ trở nên nóng nảy và
chỉ trích người khác. Anh ta không thể gần gũi với những người không
thông minh bằng mình và kém đồng cảm. Tất cả những điều này làm cản trở
anh ta làm việc hiệu quả trong nhóm mặc dù chỉ số IQ rất cao.
Jose có EQ rất cao. Anh ấy hoà thuận với mọi người, và kiểm soát cảm
xúc của mình cũng rất tốt. Điều này giúp anh ta làm việc hiệu quả, mặc
dù trong công ty một số người có IQ cao hơn Jose. Jose có khả năng hiểu
những thành phần của cảm xúc trong giao tiếp, và sử dụng cả khả năng
kinh nghiệm lẫn sự hiểu biết về cảm xúc của mình. Anh ta có thể ảnh
hưởng và động viên mọi người bởi vì anh ta hiểu điều gì làm mọi người
quan tâm, và là một nhà ngoại giao xuất sắc. Anh ấy rất linh hoạt, sáng
tạo khi phải đối mặt với thử thách, và không bao giờ nản lòng khi phải
đối mặt với những thất bại trước mắt. Anh ấy rất được yêu mến và kính
trọng.
Điểm mấu chốt
EQ quyết định nhiều hơn tới những thành công và hạnh phúc trong cuộc
sống của bạn hơn là IQ và điều quan trọng là EQ có thể học được.
Những sự phân biệt khác
- Biết như thế nào và tại sao; so với Biết cái gì.
- Bết làm thế nào để động viên mọi người; so với Đối xử với mọi
người như thể là họ đã không chịu làm theo cách mà nhẽ ra họ nên làm.
- Chế ngự cảm xúc và sử dụng cảm xúc để đạt được hiệu quả tốt; so
với Để cho cảm xúc chế ngự bởi vì bạn không hiểu chúng hoặc không biết
làm thế nào để "làm việc" với chúng.
Lợi ích
Khi bạn
phân biệt được sự khác nhau giữa EQ và IQ bạn có thể biết cách để tăng
cường EQ của mình. EQ có thể học được nhưng lại thường bị xao nhãng
trong nền giáo dục, cả ở nhà và ở trường.
Và bây giờ bạn hãy quan sát những những người xung quanh mình xem ai
có EQ cao nhất và thử xem có phải họ đang rất thành công hay không!. Nếu
đúng thì những kết luận này thực sự là đáng tin cậy.
"Cuộc chiến" IQ - EQ trong tuyển dụng
Từ rất lâu, con người đã đề cao quá mức trí tuệ, coi nó như cốt lõi của
nhân cách. Các nhà tuyển dụng trước đây chỉ lấy chỉ số thông minh IQ làm
thước đo giá trị cá nhân và gần như “tôn sùng” những ứng cử viên có
điểm IQ xuất xắc. Hầu hết mọi người đều cho rằng chỉ số IQ bậc cao là ưu
thế tuyệt đối, là yếu tố duy nhất để thành nhân và thành công.
IQ “mất uy”
Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 20, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng truyền
thông Internet và những dịch vụ gia tăng giá trị trên mạng, loài người
đã phải nhìn nhận lại vấn đề này khi xuất hiện nhiều tin tặc có chỉ số
IQ siêu đẳng đã “làm mưa, làm gió” trên các dữ liệu tối mật của nhiều
quốc gia hay ăn cắp hàng triệu triệu đôla bằng việc xâm nhập vào hệ
thống ngân hàng. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tội phạm quốc tế ra đời với
những “ông trùm” có trí thông minh tuyệt vời và những thành tích đáng nể
trong học tập đã khiến an ninh quốc gia của nhiều nước có lúc trở nên
khó kiểm soát.
Lúc này, mọi người mới nhìn nhận ra rằng, IQ không là yếu tố đo lường
đúng đắn nhân cách của con người và cũng không quyết định sự thành công
của một con người trong cuộc sống. Cần phải có một thước đo khác nhân
bản hơn bởi sự có ích hay không có ích với công việc, cộng đồng trước
hết xuất phát từ hệ thống cảm xúc của cá nhân trong mối quan hệ giữa lợi
ích cá nhân với lợi ích cộng đồng.
Chỉ số EQ đã ra đời như vậy. Năm 2005, trong cuốn sách có lời đề tựa
Emotional Intelligence (Trí tuệ cảm xúc), nhà tâm lý học Daniel Goleman
đã đề cập đến chỉ số cảm xúc trong lĩnh vực trí tuệ, còn gọi là sự thông
minh của tâm hồn hoặc thông minh trong cảm xúc. Ông đã đề xuất 7 tiêu
chí để đánh giá chỉ số EQ, đó là:
- Có ý thức về khả năng của mình
- Có động cơ phấn đấu
- Kiên trì
- Khả năng kiềm chế
- Khả năng điều chỉnh cảm xúc
- Sự thấu cảm
- Tinh thần lạc quan
Tuy nhiên, phải đến năm 2006, 2 nhà tâm lý học Peter Salovey (Đại học
Yale) và John Mayer (Đại học Hampshire, Mỹ) mới được coi là có công
trong nghiên cứu chẩn đoán và đưa ra chỉ số EQ.
EQ lên ngôi
EQ (Emotional Quotient: chỉ số thông minh cảm xúc) là một quan niệm phức
tạp bao gồm những đức tính như hiểu được cảm xúc (hay tình cảm) của
chính mình, thông cảm hay đồng cảm với người khác, điều hòa được cảm xúc
(hay tình cảm) sao cho cuộc sống thăng tiến, hòa hợp được với người
khác, v.v...
Với một nhà quản trị, chỉ số EQ cao luôn gắn liền với sự thành công
trong kinh doanh. Trí thông minh cảm xúc thường gắn liền với khả năng
tiếp xúc và thấu hiểu cảm giác của người khác. Khả năng này thực sự rất
cần thiết trong việc quản lý nhân viên, thu hút, hấp dẫn khách hàng và
các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, khác với môi trường làm việc đơn lẻ trước đây, môi trường
làm việc nhóm ngày càng khẳng định thế mạnh của mình trong thời đại kỹ
thuật số, khi mà một sản phẩm không đơn thuần chỉ do một người làm ra mà
là kết tinh của rất nhiều bộ óc và sức lực. Chính vì vậy, mối quan hệ
tương tác giữa con người và con người được coi trọng hơn bao giờ hết và
người biết gắn kết, biết làm việc theo nhóm, có khả năng thu phục nhân
tâm được coi trọng hơn cả. Một người có EQ tốt là người nắm rõ các cảm
xúc của mình và của người khác, có lòng cảm thông, kiểm soát được cảm
xúc, biết phân lập ra các cảm xúc tốt, chí thú với công việc, có những
kỹ năng giao tiếp xã hội. Từ đó mới có thể thúc đẩy tinh thần làm việc
tập thể và thiết lập được những mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau
tốt để công việc có hiệu quả.
Chính vì lý do này, ngày nay nhiều nhà tuyển dụng đã sử dụng những bài
kiểm tra EQ để đánh gía ứng viên. Các bài kiểm tra EQ cho các vị trí
công việc thường không giống nhau do sự yêu cầu cảm xúc trong mỗi công
việc là khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các bài thi đều dựa trên việc phân
tích, đánh giá về khả năng xử lý tình huống, khả năng giao tiếp để từ
đó xác định tính cách của ứng cử viên.
Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng cũng đánh giá rằng: EQ cao có nghĩa ứng viên
có khả năng giữ sự bình ổn, cân bằng về mặt cảm xúc, giữ được sự tỉnh
táo, lý trí, không bị cảm xúc chi phối. Nó phản ánh những đặc tính rất
quan trọng đối với thành công trong cuộc sống hiện đại của con người,
tính linh hoạt, năng động và khả năng thiết lập được những mối quan hệ
xã hội. Người có EQ cao là người có tấm lòng rộng mở, quyết tâm học hỏi,
đồng thời là người có suy nghĩ sâu sắc, có cá tính mạnh mẽ và kiên trì
theo đuổi ước mơ, hoài bão tốt đẹp của mình.
Một câu hỏi kiểm tra EQ được nhắc đến nhiều nhất ở Việt nam như sau: “
Một chàng thanh niên đang đi trên đường, trời mưa bão và chiếc xe của
chàng chỉ có khả năng chở thêm 1 người nữa. Đúng lúc đó, có 3 người muốn
đi nhờ xe của chàng, 1 là cô gái chàng đang yêu say đắm, 1 là bà cụ già
ốm yếu và 1 là vị bác sỹ rất nổi tiếng có khả năng chữa khỏi bệnh cho
nhiều người, nếu bạn là chàng, bạn sẽ cho ai đi nhờ xe?”.
Trong hơn 300 người tham gia cuộc thi tuyển dụng hôm đó, chỉ có 30 người
trả lời đúng ý của ban giám khảo: “chàng trai sẽ nhường xe cho vị bác
sỹ để vị bác sỹ chở bà già đi, còn mình sẽ ở lại cùng với cô gái để vượt
qua con đường mưa bão”. Cách trả lời đầy nhân văn đó đã thể hiện một
phần tính cách của ứng cử viên, biết cách xử lý tình huống hợp lý, có
lòng yêu thương với con người và cuối cùng sẽ trở thành người thành công
trong mọi mối quan hệ.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa hoàn toàn phủ định tầm quan trọng
của IQ trong việc đánh giá một ứng cử viên mà EQ và IQ nên luôn đi song
hành với nhau. EQ là điều kiện cần còn IQ là điều kiện đủ. EQ cao hay
thấp quyết định khả năng tự khống chế cảm xúc bản thân, IQ cao hay thấp
quyết định khả năng sáng tạo suy nghĩ. Nếu EQ thấp, bạn không hiểu rõ
chính mình, thì IQ có cao cũng vô dụng, nếu EQ cao, bạn không bị ngoại
cảnh tác động, biết kiềm chế bản thân, lúc đó IQ của bạn mới thật sự
phát huy được tác dụng.
Có câu nói nổi tiếng được nhiều nhà quản lý cấp cao tâm đắc là: “Với IQ
người ta tuyển dụng bạn, còn với EQ người ta đề bạt bạn”. EQ sẽ vẫn là
chỉ số hữu dụng để đánh giá sự thành công của một cá nhân trong tuyển
dụng và trong công việc sau này.
Một số kiểu trắc nghiệm EQ hiện có trên thế giới:
- Trắc nghiệm đó EQ của John Mayer, Perter Salovey và David Caruso,
phiên bản 2.0 2002 dành cho người lớn từ 16 tuổi trở lên, gồm có 141
item và thời gian làm từ 40 đến 45 phút, thực hiện với cá nhân hoặc với
nhóm. Trắc nghiệm này được tiến hành dựa trên mô hình trí tuệ cảm xúc
kiểu thuần năng lực: vừa được chuẩn hoá trên mẫu chuẩn quốc gia của Hoa
kỳ.
- Trắc nghiệm đo EQ của Bar – On dành cho trẻ em từ 10 đến 15 tuổi. Gồm
có 60 item và thời gian hoàn thành là 15 phút.Trắc nghiệm này được chuẩn
hoá tại Hoa Kỳ và Canada.
- Trắc nghiệm sáng tạo TSD- Z của Klaus L. Urban 1994. Dạng trắc nghiệm
phi ngôn ngữ (vẽ tranh) được thiết kế cho cả trẻ em và người lớn, thời
gian là 15 phút, đưa ra một trang giấy test có 6 hoạ tiết trong đó 5 hoạ
tiết nằm trong khung hình chữ nhật, một hoạ tiết nằm ngoài khung này,
các nghiệm thể được yêu cầu phải hoàn thiện bức tranh dựa trên các hoạ
tiết đã cho theo ý của riêng mình. Các bức tranh sau đó được chấm điểm
theo 14 tiêu chí, phản ánh cấu trúc sáng tạo mà trắc nghiệm muốn đo
lường theo mô hình lý thuyết sáng tạo của Klaus L. Urban.
(Sưu tầm)